Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Quan Hằng Cao Ước mơ mang diều Việt Nam ra thế giới

"Gia sản của tôi có mỗi diều”

Thả diều từ lâu đã trở thành một thú chơi dân dã, thanh tao của người Việt. Ngay cả bây giờ, khi không gian cho những cánh diều bay đã bị thu hẹp dần bởi dây điện và nhà cao tầng, thì thú chơi ấy vẫn cứ đầy sức hút. Và không có gì là ngạc nhiên khi có nhiều người say diều, mê diều đến quên ăn quên ngủ, gắn bó cả đời với tiếng sáo diều. Năm 1968, Quan Hằng Cao theo gia đình sang Anh sinh sống. Tại đây, ông được tiếp xúc với diều, vì trong các chương trình ngoại khóa của trường đều có bộ môn làm và chơi diều. Khi ra trường, làm việc cho một tập đoàn điện tử viễn thông lớn của Mỹ, có điều kiện đi nhiều nước và tham gia nhiều liên hoan quốc tế về diều, ông có cơ hội làm quen với những nghệ nhân diều khắp thế giới, tham gia chơi diều đồng thời tìm hiểu và chế tác diều.

Nói về diều, người nghệ nhân tỏ rõ sự đam mê vô cùng tận. Đôi mắt ông sáng lên, đôi tay nhanh nhảu, thoăn thoắt đem ra những cánh diều khác nhau để so sánh. Ông chia sẻ: "Đời tôi, gia sản của tôi có mỗi diều thôi. Con diều đám cưới chuột không phải tôi in đâu, tự tôi cắt ảnh ra, khâu từng ít một. Tôi ra thợ, họ bảo chẳng biết tính bác bao nhiêu tiền. Mà may cái này phải may bằng vải đặc biệt, rất nhẹ, rất dễ hỏng”. Đó là lần ông mang cánh diều văn hóa Việt Nam giới thiệu với bạn bè thế giới. Không chỉ làm ra những con diều in hình ảnh tranh Đông Hồ, ông còn sáng tạo ra nhiều kiểu dáng diều mang nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam như diều đầu rồng cho dịp lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, diều chú Tễu, diều hình lá cờ ngũ sắc thể hiện quan niệm về phong thủy, diều cờ đỏ sao vàng... Ông đã từng chia sẻ rằng, nếu Việt Nam có bảo tàng diều, ông sẽ hiến tặng gần 500 con diều mà ông sưu tầm ở khắp các nước trên thế giới.


Ông Quan Hằng Cao bên cánh diều in hình tranh Đông Hồ

Tiếp tục hành trình đưa diều Việt Nam ra thế giới

Tại Anh, nghệ nhân Quan Hằng Cao đã mất hơn 6 tháng tìm tòi và áp dụng những kỹ thuật mới trong chế tác diều để hoàn thành cánh diều sáo Việt Nam (kích thước 1,5 x 4,5m) đầu tiên có thể gấp gọn lại được như chiếc ô. Ông mang chiếc diều sáo này đi tham gia các sân chơi diều ở nhiều nước kể từ năm 2004, nhận được sự hoan nghênh và ủng hộ nhiệt thành từ bạn bè thế giới. Tất cả những việc ông làm đều là tâm huyết, là sự đam mê và dường như không có sự hỗ trợ đặc biệt nào.

Tháng 9-2014, ông sẽ ra mắt diều sáo Việt Nam với 4 người biểu diễn 4 con diều và 4 ống sáo trên thế giới để thể hiện một tổ hợp gia đình. Bốn con diều như 4 cái lá đa. Một cái lá đầu tiên sẽ là một người bố với ống sáo làm sao đúng như một người lớn tuổi đang bay ra lộn trên bầu trời, tiếp theo là có người mẹ nữa, tiếng sẽ khác. Sau là con trai với con gái sẽ bay ra. Bốn loại diều đặc trưng của Việt Nam sẽ bay trên bầu trời, ra mắt đầu tiên trên thế giới! "Việt Nam mình sẽ phải tiến tới. Chú Tễu bay lên trên bầu trời Trung Quốc, trên toàn nước Pháp, trong lễ hội to nhất thế giới, người ta biết đến Việt Nam”. Sáng nào cũng thổi sáo, diều bay xa mấy cây số, dân ở đấy mở cửa sổ ra ngó. Hôm không thả, họ chạy đến hỏi sao không thả? Tiếng diều hay lắm, có ai mà không "mê”! Thú chơi diều có ở nhiều nước trên thế giới nhưng Việt Nam là nước duy nhất mà người xem có thể vừa được ngắm cánh diều bay, lại được nghe tiếng sáo. Chính vậy nên diều sáo Việt Nam luôn được bạn bè quốc tế quan tâm và đón nhận.

Ông Quan Hằng Cao (dấu X) Phó Ban Tổ Chức, Trưởng Ban Giám Khảo 
Hội thi thả diều Việt Nam tại KDL Biển Đông Vũng Tàu tháng 12/2013
Ông Quan Hằng Cao cũng chính là người đã mang Festival diều quốc tế về tổ chức định kỳ tại Vũng Tàu. Chia sẻ về việc làm của mình, ông bảo: "Mỗi khi tham gia các festival diều quốc tế, Việt Nam thường xuyên được nhắc đến. Con diều với thứ âm thanh giúp người nghe được nghỉ ngơi, thư giãn và chữa bệnh tinh thần. Nghe tiếng vậy nhưng người ta chưa từng được tận mắt thấy”. Chính bởi thế ông đã luôn trăn trở, cố gắng thực hiện hết mình sự tâm huyết cả đời này. Người nước ngoài đã đến nghiên cứu, viết sách về diều sáo Việt Nam. Các chuyên gia về âm thanh thì đánh giá, sáo diều là thứ âm thanh đặc biệt có thể nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần tốt nhất. "Giờ thì diều Việt Nam đã có tên trong bản đồ diều thế giới”, ông khẳng định. Tiếng sáo làm nên âm thanh độc nhất vô nhị của diều sáo Việt Nam, đến nay cũng chưa có phương tiện kỹ thuật nào đo được. Mỗi nghệ nhân, mỗi làng diều truyền thống lại có cách chế tác nên một con sáo diều có một thang âm khác nhau, lúc như tiếng chuông chùa, lúc như tiếng chiêng, còi… Ông Quan Hằng Cao cho biết, diều đặc biệt nhất Việt Nam và thế giới hiện nay là diều thả đêm, diều đèn. Đây là loại diều cho phát sáng ở trên không, sáng từ trong bụng sáng ra. Cũng chính ông là người đã sáng tạo ra.

Trên thế giới, Trung Quốc thể hiện sự đặc biệt trong cách quấn dây, người Đức thể hiện sự chính xác trong kĩ thuật, người Mỹ là những cánh diều sáo to hầm hố bằng kim loại. Người Việt Nam mình trước đây, các cụ dùng dây tre, dây chạc. Cả thế giới thừa nhận Việt Nam với những cánh diều dân gian truyền thống. Nó có chi tiết nhân văn riêng, giá trị riêng trong cái quấn dây đầy sáng tạo với hình ảnh ẩn dụ người chồng - "diều lên mỏi cổ, diều đổ tủi thân”. Ông nào thả diều mà chẳng há mồm, mặt ngước lên và cười sung sướng. Và khi cánh diều lên mỏi cổ, cánh diều đổ mỏi chân thì về. Ăn cơm có dám ngước lên nhìn vợ đâu! "Diều lên mỏi cổ diều đổ tủi thân” là thế! Tủi thân là gì? Là mang diều về giấu vợ, toàn nhìn vợ đằng sau lưng. Cái mắt cúi xuống, cái mồm bặm lại để giấu cái diều. Đúng quá… Hơn nữa, gỗ làm cái quấn dây diều Việt Nam là gỗ bách xanh. Gỗ thơm rất tiện lợi khi cầm.

Năm 2013, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều Việt Nam đã được thành lập, đưa ra những qui tắc chuẩn mực trong việc chơi diều. Đó là niềm vui rất lớn cho những nghệ nhân yêu cánh diều, tiếng sáo Việt Nam. Tất cả họ đều mong muốn góp sức với nghệ nhân Quan Hằng Cao để đưa nét văn hóa di sản Việt Nam ra "khoe” với thế giới. Đó là một hành trình dài tốn không ít công sức, tiền của mà nếu không thật sự yêu diều, say diều và tâm huyết với diều thì chắc chắn sẽ phải bỏ dở giữa chừng…
 Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết
08/12/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét