Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Diều sáo Việt Nam trò chơi dân gian truyền thống

* Hình minh họa là diều sáo trong festival Liên hoan diều quốc tế tại Vũng Tàu từ ngày 7/5 đến 12/5/2014

Diều sáo Việt Nam đã được thừa nhận trên bản đồ diều thế giới. Đó là khẳng định của tiến sĩ Hanh Boehme, Phó chủ tịch Liên đoàn Diều quốc tế (nhiệm kì 2008-2012) khi nói về cau lạc bộ diều Hà Nội tại Festival diều nghệ thuật quốc tế Tân Đài Bắc (Đài Loan) vừa qua.

Diều sáo là nét đặc trưng của nền văn minh lúa nước, truyền tải tâm hồn thanh cao từ ngàn đời nay của người Việt. Cái nôi của diều sáo là vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Men theo triền đê sông Hồng là có thể về với làng Bá Dương Nội (Đan Phượng, Hà Nội) nơi được cho là khởi nguồn của cánh diều sáo, nơi những truyền thuyết bắt đầu…Tương truyền tại đền Đức Thánh Cả của làng, cánh diều sáo truyền thống đã có hơn ngàn năm tuổi. Xưa kia, khi trời - đất giao hoà, con người và thần tiên luôn quấn quýt bên nhau không muốn rời xa. Bỗng một ngày thảm hoạ ập đến, thế gian tăm tối, trời và đất bị chia cắt. Bầu trời thì cứ cao dần lên, tách xa khỏi mặt đất. Thần tiên và con người không làm cách nào gặp được nhau gây nên bao nỗi niềm thương nhớ. Vậy là cánh diều đã ra đời, nối sợi dây tình cảm giữa bầu trời và mặt đất, mang theo tiếng sáo du dương bày tỏ tấm lòng của người dưới hạ giới với người cõi trên.Cánh diều là biểu tượng cho những ước mong, khát vọng của cư dân Việt, luôn muốn được bay cao hơn, xa hơn. Cánh diều bay trên không trung chở tình yêu đối với quê hương, xóm làng của người nông dân, cất lên niềm hi vọng mong mưa tạnh, gió hoà trong công việc đồng áng. Thời khắc để thả diều phải là những ngày trời quang, mây tạnh, cánh diều được đưa bởi ngọn gió nồm nam mới lên cao, tiếng sáo mới vang xa.
Diều sáo Việt Nam 
Diều sáo đúng như tên gọi, gồm 2 phần chính: diều và sáo, được làm nên bởi những nguyên liệu thân thuộc, sẵn có ở hầu hết các làng quê. Theo những nghệ nhân câu lạc bộ diều Việt Nam thì ngày xưa, các cụ làm diều sáo hầu hết đều bằng tre. Từ thân diều đến sáo diều, lồng cuộn dây và chính dây diều cũng làm bằng tre.Để có một con diều tốt, một bộ sáo hay cũng mất nhiều công phu và sự tận tâm. Ống sáo diều được chọn lựa kĩ từ những cây tre già, loại tre đanh, chắc, gặp nắng mưa không bị nứt nẻ, khi làm sáo mới có tiếng vang, tạo bề sâu và có hồn. Ống sáo được chia làm hai phần bởi vách ngăn ở giữa bằng gỗ. Hai phần càng đều nhau thì tiếng kêu của sáo mới càng cộng hưởng, càng vang xa. Mặt sáo được đẽo gọt bằng các loại gỗ nhẹ, mềm như gỗ vàng tâm, gỗ mít, gỗ dổi để quyết định âm thanh to nhỏ, tạo nhịp mau thưa của sáo. Miệng sáo phải được khoét thật cân, lệch một chút là có thể làm méo tiếng sáo. Phần khung diều được làm từ hai nan tre, uốn thành hình cánh cung để đón gió.Nhưng công phu nhất, theo các cụ truyền lại thì phải kể tới việc làm dây diều. Cứ mỗi khi cuối xuân đầu hạ, người chơi diều sáo lại tìm những cây tre bánh tẻ óng mượt, đẵn, rồi chẻ nhỏ thành những sợi nan, tuỳ theo kích cỡ của diều mà sợi được vót to hay nhỏ. Những sợi nan ấy được đem luộc từ 7 đến 8 tiếng cùng với một chút muối, sợi trở nên mềm, dẻo và đặc biệt là rất bền. Cái tinh tuý của sáo diều Bắc bộ không chỉ nằm ở việc làm diều, mà nó còn được thể hiện qua cách chơi diều. Căn cứ vào độ ẩm không khí, thời tiết và sức gió, người chơi mới quyết định có nên thả diều hay không. Khi đủ điều kiện thuận lợi, cánh diều đón gió bay vút lên không trung, mang theo tiếng sáo vi vu, vang xa. Người thưởng thức mỗi khi nghe được tiếng sáo cũng bỗng chốc cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng và thư thái.

Tiếng sáo diều truyền thống không chỉ đơn thuần là một âm thanh, nó được kết hợp bởi nhiều ống sáo khác nhau, bao gồm ốc, chuông, chiêng, còi. Mỗi vùng có sự kết hợp khác nhau, do đó tiếng sáo diều cũng mang đặc trưng của mỗi vùng miền.Làm được một bộ sáo hay hoàn toàn không phải việc đơn giản và vội vàng. Có những người cả đời chơi diều, làm diều nhưng cũng không có nổi cho mình bộ sáo tốt. Có lẽ bởi vậy nên người ta rất quý và trân trọng những bộ sáo lên bổng xuống trầm, cất được hồn của người làm diều sáo. Chẳng may khi diều đứt, có thế nào cũng phải tìm mang bằng được bộ sáo về nhà.

Giờ đây diều sáo Việt Nam không chỉ thả trong các hội làng tại vùng đồng bằng Bắc bộ mà đã phổ biến khắp ba miền. Diều sáo Vũng Tàu đã thay bằng sáo khoét từ nậm rượu; diều sáo miền Nam cải tiến ống sáo, chạm khảm lóng lánh mà quý phái. Các loại diều sáo truyền thống miền Bắc như ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hải Dương, Lào Cai, Hà Nội… đã được các nghệ nhân của câu lạc bộ diều Hà Nội đúc kết, phát triển, gắn với những tinh hoa của diều thế giới để tạo thành một loại hình nghệ thuật khá mới mẻ trên thế giới, bay được và hát được. Hát và múa theo sự tích, theo nền nhạc dân tộc phụ họa rất đặc sắc. Cánh diều không chỉ theo lối cổ mà nay đã được cải tiến với hình ảnh cô tiên dang hai cánh bay trên bầu trời hoặc in hình trong các câu chuyện dân gian hay lịch sử của đất nước hình chữ S. Những nghệ nhân diều sáo Việt Nam đã kể cho thế giới nghe những truyền thuyết của đất nước bằng cách thả lần lượt, có kịch bản các loại diều muôn màu muôn vẻ của vùng Kinh Bắc, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nội đến tận miền Nam. Tất cả loại diều truyền thống, diều sáo cổ và cải tiến đã lần lượt được đem giới thiệu tại festival diều Vũng Tàu hay tại các festival diều của các “cường quốc” diều như Liên hoan Diều quốc tế ở Đài Bắc (Đài Loan), Dieppe (Pháp), Bintulu (Malaysia), Hạ Môn (Trung Quốc), Thái Lan, Ấn Độ... Vì thế, tiếng vang diều sáo Việt Nam ngày càng vươn xa.

Theo Hiệp hội Diều thế giới nhận định, nét tiêu biểu cho diều Việt Nam chỉ có thể là diều sáo. Có lẽ vì thế mà những người tâm huyết với cánh diều sáo Việt Nam vẫn hàng ngày hàng giờ cải tiến đưa “công nghệ” mới vào làm diều sáo để diều sáo Việt Nam mãi bay cao ngân xa như chính tâm hồn người Việt trên bầu trời thế giới.
Duy Quang - TCTHHN số 90